Khái niệm đính chính sổ đỏ, trình tự thủ tục thông tin sổ đỏ cần gì ????
Đính chính sổ đỏ là gì? Trình tự thủ tục đính chính thông tin sổ đỏ? Thủ tục đính chính sổ đỏ khi bản vẽ thửa đất bị sai lệch? Thẩm quyền đính chính lại thông tin trên sổ đỏ?
Không ít trường hợp trên thực tế những thông tin trên sổ đỏ bị sai sót chẳng hạn như là có sự chênh lệch về diện tích thực tế sử dụng và diện tích sử dụng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có sự sai lệch về mốc giới, thông tin chủ sở hữu đất… Về chủ quan, có thể là do sai sót của người sử dụng đất trong quá trình cung cấp thông tin, về khách quan thể là sự sai sót trong quá trình thực hiện của cán bộ đo đạc, làm sổ. Dù bất cứ nguyên do gì để tránh ảnh hưởng đến việc sử dụng đất và quyền lợi của mình, người sử dụng đất phải làm thủ tục đính chính thông tin sai sổ đỏ. Vậy cụ thể là trong những trường hợp nào thì cần phải làm thủ tục đính chính thông tin sổ đỏ và trình tự, thủ tục thực hiện việc đính chính là như thế nào?An Hải Phát xin gửi đến bạn bài viết về việc đính chính thông tin sổ đỏ theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:
1. Đính chính sổ đỏ là gì?
Đính chính sổ đỏ là việc sửa lại thông tin bị sai sót trên sổ, việc sai sót này có thể là về các thông tin của chủ sở hữu hoặc là các thông tin đối với thửa đất.
Pháp luật quy định về các trường hợp thực hiện đính chính sổ đỏ tại khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai 2013 như sau:
– Thứ nhất, có sai sót trong thông tin của người sử dụng đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận. Những sai sót này có thể là:
+ Thông tin thông tin về tên gọi, giấy tờ của pháp nhân, hoặc tên gọi, giấy tờ nhân thân của người sử dụng đất.
+ Địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (địa chỉ này thường là địa chỉ nơi thường trú ghi trên sổ hộ khẩu).
Cần phải lưu ý, việc đính chính thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ cần thiết khi thông tin này có sai sót so với thông tin tại thời điểm cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, nếu trong trường hợp người sử dụng đất thay đổi số chứng minh thư nhân dân do cấp mới, làm lại thẻ căn cước hoặc thay đổi địa chỉ thường trú thì không nhất thiết phải làm thủ tục đính chính thông tin trên sổ đỏ, nhưng khi đi làm thủ tục chuyển nhượng, mua bán, hoặc các thủ tục khác liên quan tới đất thì cần phải có sự xác nhận của địa phương về sự thay đổi này.
– Thứ hai, có sai sót về thông tin thửa đất và tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm tra xác nhận. Ví dụ như là có sự chênh lệch giữa diện tích thực tế sử dụng và diện tích trong sổ được cấp, có sự khác biệt về mốc giới đất, về tài sản gắn liền với đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nếu thuộc một trong các trường hợp như trên, người sử dụng đất có thể thực hiện thủ tục đính chính thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2. Trình tự thủ tục đính chính thông tin sổ đỏ
– Hồ sơ thực hiện đính chính thông tin sổ đỏ.
Trong trường hợp sai sót này là do lỗi của người sử dụng đất thì hồ sơ bao gồm:
+ Đơn xin đề nghị đính chính thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị sai thông tin.
+ Các giấy tờ khác liên quan đến việc đề nghị đính chính: Bản sao chứng minh thư nhân dân, bản sao sổ hộ khẩu…
– Cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính sổ đỏ:
Cơ quan có thẩm quyền đính chính, thay đổi thông tin trên sổ đỏ là Văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương (Phòng tài nguyên môi trường cấp quận, huyện, thị xã).
Nếu phát hiện có sai sót thông tin trên sổ đỏ, người dân sẽ nộp hồ sơ tại Phòng tài nguyên môi trường huyện để được giải quyết. Trường hợp
Trường hợp sai sót này là do bên phía cơ quan nhà nước thì chỉ cần nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thay đổi thông tin.
Nếu Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện lỗi sai trên giấy Chứng nhận thì phải thông báo cho người sử dụng đất được biết và yêu cầu nộp lại giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện việc đính chính.
– Các bước thực hiện đính chính thông tin sổ đỏ.
+ Bước 1: Người có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị sai sót về thông tin nộp hồ sơ tới Văn phòng đăng ký đất đai để được giải quyết.
+ Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót, sau đó trình hồ sơ lên cấp có thẩm quyền để thực hiện đính chính. Đồng thời Văn phòng đăng ký cũng sẽ tiến hành chỉnh lý nội dung sai sót trong cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính.
+ Bước 3: Nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được đính chính thông tin.
Thời hạn thực hiện việc thay đổi đính chính thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP: Thời gian thực hiện thủ tục đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không quá 10 ngày. Trong trường hợp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn thì có thể kéo dài thêm không quá 10 ngày, tức là tối đa 20 ngày. Sau khi hết thời hạn này mà vẫn chưa có kết quả thì cơ quan nhà nước phải trả lời rõ lý do cho người dân.
Trong trường hợp đính chính mà người sử dụng đất đang có Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có mong muốn thì có thể yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì khi đó, Văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận cho người dân.
– Phí và lệ phí đính chính thông tin sổ đỏ:
Các loại phí và lệ phí khi thực hiện đính chính thông tin sổ đỏ bao gồm các loại lệ phí sau:
+ Lệ phí chứng nhận đăng ký biến động đất đai.
+ Lệ phí trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất.
+ Phí cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trường hợp có yêu cầu).
Mức phí, lệ phí do Ủy ban nhân dân từng tỉnh, thành phố quy định, tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp, và về nguyên tắc phải đảm bảo như sau:
+ Mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh cao hơn mức thu tại các khu vực khác.
+ Mức thu đối với tổ chức cao hơn mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân.
Lấy ví dụ ở thành phố Hà Nội, về mức lệ phí chứng nhận đăng ký biến động về đất đai được quy định trong Nghị quyết 20/2016/NQ-HDND có hiệu lực từ ngày 06 tháng 12 năm 2016:
+ Mức thu đối với các hộ gia đình, cá nhân ở khu vực các phường thuộc quận, thị xã là: 28 ngàn đồng.
+ Mức thu đối với các hộ gia đình, cá nhân ở các khu vực khác là: 14 ngàn đồng.
+ Mức thu đối với tổ chức là: 30 ngàn đồng.
3. Thủ tục đính chính sổ đỏ khi bản vẽ thửa đất bị sai lệch
Theo quy định tại khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 thì:
“5. Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này.”
Theo đó bạn cần phải có căn cứ chứng minh cho việc xác định thời gian sử dụng đất ổn định, tham khảo tại Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:
Điều 21. Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định
1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).
2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:
a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;
b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;
c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;
d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;
đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;
e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;
g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;
h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;
i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;
k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.
3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.
4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất.
Ngoài ra với hành vi gây khó khăn của cán bộ cấp huyện, bạn có thể thực hiện việc khiếu nại lên Ủy ban nhân dân cấp huyện về hành vi hành chính này theo thủ tục được quy định tại Luật khiếu nại đề nghị người có thẩm quyền đó xem xét lại hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bạn.
Tuy nhiên, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thì một trong các căn cứ là đất không có tranh chấp.
Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật đất đai thì “Tranh chấp đất đai ” là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Vậy hiện nay, phần đất sử dụng của bạn đang xảy ra tranh chấp với sơ đồ thửa đất nên sẽ không được giải quyết việc cấp sổ đỏ (chỉ được giải quyết cấp khi tranh chấp được xử lý ổn thỏa).
Vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai:
Theo căn cứ tại điểm a Khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
Như vậy, hòa giải tại Ủy ban Nhân dân xã là bắt buộc trước khi khởi kiện ra Tòa án giải quyết tranh chấp.
Vậy nếu bạn có các giấy tờ chứng minh về việc việc sử dụng đất đến nay trên hồ sơ địa chính xã có lưu lại, đồng thời có văn bản xác nhận của Uỷ ban xã về việc trong thời gian sử dụng không xảy ra tranh chấp thì gia đình bạn có cơ sở để khẳng định quyền sử dụng đất trên thực tế và sự sai lệch trong sổ đỏ để giải quyết tranh chấp.
Về thủ tục đính chính được thực hiện sau khi tranh chấp được giải quyết ổn thỏa được quy định tại Điều 86 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP:
1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
3. Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bạn liên hệ với cơ quan Tài nguyên – Môi trường (Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có mảnh đất trên) để trước hết sẽ yêu cầu đo đạc lại một cách chính xác. Theo Khoản 3 Điều 10, Điều 11 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, bạn cần làm 01 bộ hồ sơ gửi lên Phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị đính chính đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản phát hiện sai sót trên Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
– Trường hợp này các khoản lệ phí mà bạn phải đóng là: phí đo đạc (dựa trên diện tích đo) và Phí khai thác bằng 10% mức thu của phí đo đạc nhưng tối đa không quá 200.000 đồng/hồ sơ.
4. Thẩm quyền đính chính lại thông tin trên sổ đỏ
Trên thực tế, có thể do các bạn thay đổi chứng minh thư nhân dân, đổi lại căn cước công dân, thay đổi địa chỉ thường trú, thay đổi họ tên; Hoặc khách quan hơn do cán bộ địa chính cập nhật nhầm diện tích, nhầm thừa đất, nhầm họ tên, nhầm địa chỉ về thửa đất hoặc người sử dụng đất của các bạn, Vậy, trong trường hợp như vậy các bạn cần làm thủ tục gì để thông tin trên sổ đỏ – Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đúng và khớp với thông tin thực tế, các giấy tờ cá nhân của bạn? Pháp luật đất đai quy định như sau:
1. Thẩm quyền giải quyết thủ tục đính chính thông tin:
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 106 Luật đất đai năm 2013 có quy định cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
“Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó”.
Và tại Khoản 1 Điều 86 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật đất đai có quy định:
“Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính”.
Như vậy, khi phát hiện phần tên chủ sử dụng đất có sai sót thì bạn có thể nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai để tiến hành đính chính.
2. Hồ sơ xin đính chính thông tin:
Khoản 3 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị đính chính đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản phát hiện sai sót trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
+ Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
– Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về sai sót, lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận và đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Biên tập : Thu Hiền